Trước đây, khi nói về tính chủ động, tôi lập tức nghĩ ngay tới chữ năng động. Năng động, một tính từ rất được ưa thích khi gắn với hình ảnh giới trẻ. Bản thân tôi cũng thích nghĩ mình là một người năng động, và muốn thay đổi cuộc sống tẻ nhạt của mình, nên đã tham gia vào những hoạt động xã hội, những buổi họp mặt, đi chơi, những khóa học. Nói cho cùng, tất nhiên, trong suy nghĩ của tôi ngày đó, năng động nghĩa là bận rộn, và tôi tìm cách lấp đầy những ô thời gian còn trống của mình.
Tuy tham gia vào nhiều hoạt động như vậy, tôi nhận thấy những suy nghĩ trong mình vẫn đứng yên không đổi, tôi vẫn là tôi của những năm cấp 3, con bé từ nhà tới trường từ trường tới chỗ học thêm. Trong những hoạt động mà tôi tham gia, tôi vẫn chưa tham gia tới mức sống hết mình cho hoạt động đó, như một người bên lề. Tôi đã tham gia trong sự lặng lẽ như cái cách mà tôi vẫn làm suốt bao năm phổ thông…
Tôi biết, cách ứng xử, cách tôi nhìn nhận thế giới sẽ khác khi tôi bước ra và va chạm với thế giới. Nhưng, cách hành động của tôi sẽ không đổi, nếu tôi không thay đổi suy nghĩ của mình. Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích mà những hoạt động đó đã mang lại, nhưng, có lẽ, liều thuốc chữa cho căn bệnh ù lì mà tôi mắc phải không nằm ở đó.
Đó là tôi của những năm đầu đại học. Nay, suy nghĩ của tôi đã thay đổi rất nhiều từ sau những lớp học ở Prosales, trong đó lớp học Khám phá tính chủ động mang đến cho tôi cái nhìn rất mới về mình.
Tính chủ động là gì?
Đầu tiên là về khái niệm Sự chủ động. Nếu theo khái niệm của bản thân tôi ngày trước, chủ động là năng động, tức là thiên về hành động, thì bây giờ, khái niệm sự chủ động nằm trong suy nghĩ của chúng ta. Nếu ta năng động, đánh đông dẹp tây, tham gia đủ thứ sự kiện trên đời nhưng suy nghĩ và hành động theo thói quen, theo lối mòn của sự ù lì, thì sự năng động đó chỉ là vẻ bề ngoài. Kết quả thật dễ thấy, làm nhiều nhưng không hiệu quả bao nhiêu, và càng cọ xát với thực tiễn, cảm giác mệt mỏi càng nhiều. Tôi đã từng như vậy.
Tôi được học rằng sự chủ động ở trong mỗi con người. Vậy là, ai cũng có thể chủ động, hay thực ra, bản chất của chúng ta vốn đã chủ động. Vì suy nghĩ vô hoặc thiếu trách nhiệm bản thân mà nhiều khi chúng ta lại đổ lỗi hoàn cảnh hay người khác cho tình trạng hiện tại của mình.
Tôi suy nghĩ mãi, nếu thực sự như vậy, những tai nạn thì sao ? Và ngay buổi tối hôm đó, lúc chạy xe về nhà, tôi đã quan sát rõ hơn những gì diễn ra trên con đường mình đi học về. Đoạn đường không dài do tôi đã chạy quen. Có những đoạn cua gắt, tôi lách xe để chạy lên trước. Và, có những lần để chạy vượt lên trên, tôi suýt va vào xe người khác. Vâng, đó là những dấu hiệu, nghĩa là, những hành động của tôi, như cố gắng lách xe, hay cố gắng chạy vượt lên, đến một lúc nào đó, sẽ gây tai nạn, hoặc gặp tai nạn. Như vậy, nếu tai nạn đến, có phải là do tình cờ không ? Hay chính những gì bạn làm đã dẫn tới kết quả đó.
Tuần sau, trong lúc chạy xe về nhà, tôi bị công an phạt, lý do: đèn xe bị hư, tôi không thể mở đèn được. Tôi đang chạy thì bị huýt vào. Tôi hoàn toàn bình tĩnh. Anh chàng cảnh sát giao thông đưa ra lý do, tôi không cãi, lý do quá xác đáng. Qủa thật, tháng trước, ba tôi đã lưu ý về đèn xe không sáng nhưng tôi mải quên. Như vậy, những sự kiện của ngày hôm nay, đều là kết quả của hành động từ hôm qua nào đó. Nếu ta nói đó là việc bất ngờ không lường trước được, thì lý do là vì, ta đã không nhìn đủ kĩ và chú ý đủ để nhận ra những dấu hiệu.
Từ đó, tôi rút ra một kết luận. Sự chủ động đến khi bạn tỉnh thức, tức là nhận thức được những hành động của mình, mình đang làm gì, tình trạng của mình ra sao, của mọi vật xung quanh ra sao. Đôi khi, vì hàng nghìn lý do công việc, bạn bè, người thân,…ta quên mất mình đang bị cuốn đi đâu. Cái nhìn tỉnh thức đơn giản là nhìn tổng quát nhưng nhìn rõ, và nó đòi hỏi tâm tĩnh và chậm. Ví dụ như bạn bước đi, hít thở khí trời, ngắm nhìn quang cảnh nhưng phải đủ tỉnh táo để thấy vũng nước trên đường mà tránh hay cái xe đang chạy ngang qua và chắc chắn sẽ té nước lên người bạn…
Nghĩ tới đó, tôi chú ý đến hành động của mình. Những tác động bên ngoài, cách tôi suy nghĩ để đưa ra giải pháp, dù nhanh hay chậm, tôi biết, đó là những dấu hiệu và những mảnh ghép cho bức tranh của tương lai chính mình. Liệu tôi có muốn những miếng ghép đó không ? Và tôi đang lựa chọn, những miếng ghép bằng cách lọc bỏ những thói quen đã có từ xưa. Hành trình vẫn còn dài, và những miếng ghép không phù hợp đầu tiên tôi đã nhận ra, lại rất khó khăn để bỏ. Nhưng tôi là kẻ lựa chọn mà ! Nghĩ vậy là tôi lại có sức mạnh để tiếp tục !
PUP ! Chuyện gì đã diễn ra ?
Khám phá tính chủ động, và trong lúc để tâm chú ý tới những suy nghĩ, phản ứng bên trong của mình, những dấu hiệu từ bên ngoài…
Tôi dường như cảm nhận được điều đó, một món quà ngoài sức mong đợi : Sự sáng tạo !
Sự sáng tạo, điều tôi đã nghe các anh, chị, bạn trong lớp chia sẻ, nhưng chưa « cảm« được. Và sau khi nghe mọi người chia sẻ, tôi cảm thấy hơi ghen tị khi mình chưa đạt được mức đó.
Nhưng, những ngày qua, những ý tưởng đã đến, khi tôi đi trên đường, khi tôi suy nghĩ,… Trước đây, khi còn học Phổ thông, tôi đã từng trải nghiệm cảm giác này, khi bạn bước trên đường và biết rằng có biết bao thứ ta có thể làm để thỏa sở thích, hay để kinh doanh, đối với tôi, nó như là cảm giác tìm lại được một món quà mà tôi để quên đâu đó !
Cảm giác rất tuyệt vời !
Vậy, chuyện gì đã xảy ra ?
Tôi đặt ra giả thiết, có phải vì tôi đã bắt đầu làm những gì mình thích ? Suy nghĩ về tương lai và trách nhiệm bản thân trước cuộc sống chính mình thúc đẩy tôi phải làm điều mình muốn và không từ bỏ nó để lựa chon những gì có vẻ đúng, có vẻ hợp. Trước nay, khi ép mình phải học những môn kinh tế đúng với chuyên ngành đã chọn, tự tôi đã đặt mình vào một sừng trâu không lối ra. Nhưng, khi tôi bắt tay vào làm những gì mình thích, sự sáng tạo đến.
Tôi thấy mình như đang bắt đầu chơi một trò chơi mà thời gian qua, vì lý do nào đó, tôi đã quên mất cách chơi. Một trò chơi lắp ghép cho phép bạn ghép những mảnh ghép mà thông thường không thể đặt cạnh nhau và tôi háo hức được khám phá thêm.
Có những vấn đề trước nay tôi chỉ thấy một hướng đi, một cách giải quyết, một hình ảnh đơn điệu nổi lên, thì nay, dường như con đường rộng mở hơn với nhiều lối rẽ, cái nhìn mở ra…
Kết luận
Khám phá sự chủ động, đối với tôi, như đi vào con đường đầy bóng tối. Những buổi học kết thúc với một mớ rối rắm không thể lý giải nổi và đến cuối buổi học, thường đầu óc tôi nghẹt những thông tin và suy nghĩ không có lối ra.
Dù vậy, những bài học khó hiểu đó, lại mang đến những kết quả khả quan. Qua trải nghiệm cảm giác chủ động, trải nghiệm và luyện tập sự chú ý, và hơn hết, chịu trách nhiệm đối với hành động của bản thân, từ từ, tôi thấy mình gỡ ra được một vài khúc mắc của bản thân. Hành trình vẫn dài và tôi chọn bước tiếp !
http://forum.prosalescenter.com/archive/index.php/t-41.html?s=1609ff84b514c190a6b43c8d37628bce
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét