Tư duy của một nhà quản trị !
18 tháng 7, 2013
Nhân dịp hôm nay ngồi nói chuyện với một anh bạn, mình chợt nhận thấy nhiều bạn trẻ bây giờ và ngay cả chính bản thân mình đang "thiếu hụt lớn" tư duy của một nhà quản trị.Như thế nào là tư duy của một nhà quản trị?
Giả sử đang đứng ở vai trò của một giám đốc công ty.
Bạn sẽ làm thế nào để cho mọi việc trở nên thuận lợi và hài hòa với nhau nhất có thể?
Khi lớn lên chúng ta được dạy rằng : Cần khẳng định bản thân mình là vượt trội, hơn hẳn người khác. Như thế mới có chỗ đứng và vị trí trong xã hội. Điều mình cho là đúng, thì mọi người cần phải theo mình.
Tư duy trên bắt nguồn từ rất xa xưa - ngay từ trong hệ thống lý luận của Arixtốt - cách đây hơn 2000 năm. Một việc không đúng thì sai, không sai thì đúng. Chỉ có 1 đáp số duy nhất cho việc đó.
Điều đó chưa hẳn là đúng trong khoa học. Lôbasepxki đã cần hơn 50 năm sau khi chết để mọi người có thể chấp nhận lý thuyết về 'Tiên đề 5 Ơclít' : Trong mặt phẳng, người ta có thể vẽ được nhiều đường thẳng qua 1 điểm và song song với 1 đường thẳng cho trước. (1)
Hàng nghìn năm, người ta nói, con người không thể bay lên bầu trời. Và năm 1903, anh em nhà Wright đã chứng minh về một khả năng ngược lại như thế. (2)
Trong môi trường xã hội rộng lớn, có rất nhiều đáp án cho cùng một vấn đề. Chưa kể tới chúng ta : Đều là những bản thể riêng biệt, duy nhất và đặc sắc trong thể giới này.
Bạn có thể là sai với n-1 người khác, và bạn có thể hoàn toàn đúng với chính bản thân, lương tâm của mình.
Có một người bạn đã kể cho tôi nghe về câu chuyện : 2 vợ chồng trẻ, họ đã từng kiếm được rất nhiều tiền, đi được nhiều nơi trên thế giới, làm nhiều công việc khác nhau, trải nghiệm nhiều điều thú vị trong cuộc đời, và họ quyết định tự tử ở tuổi 30, khi cho rằng mình đã đi hết được những điều thú vị trong cuộc sống.
Mình không khuyến khích bạn làm điều đó, nhưng sẽ ủng hộ nếu bạn nhận thức được chính bản thân mình.
Khi nhận thức được bản thân, sẽ tôn trọng bản thân hơn - là một cá thể và được quyền sống.
Khi đó mình sẽ tôn trọng người khác và chấp nhận những cách sống, giá trị của người khác.
Không vì thế mà từ bỏ việc tranh đấu hay phát triển. Mình sẽ vẫn tôn trọng và vẫn làm việc, đi theo con đường của riêng mình.
Như thế có phải là ích kỷ không ?
Khi hoàn toàn ích kỉ, người đó sẽ chết . Bạn có kinh ngạc khi biết điều đó không?
Trong một câu chuyện cổ, kể về ông vua ham vàng, ông rất say mê khi ngắm, chạm ngón tay vào những thỏi vàng óng ánh.
Ông ta muốn biến tất cả những gì mình sờ tới được thành vàng. Và khi ông ta có được phép lạ đó, cuộc sống biến thành chết chóc.
Đồ ăn đã bị biến thành vàng, không một thứ gì có thể ăn được. Nước uống bị biến thành vàng, không nước từ nguồn nước nào có thể uống được. Và ngay cả chính nàng công chúa xinh đẹp cũng bị biến thành bức tượng vàng khi đức vua chạm vào người con gái mình.
Ích kỉ là ý tưởng về sự tách biệt, mà chúng ta lại không thể sống trong thế giới với sự tách rời. Những gì chúng ta đang ăn uống là đến từ nơi khác, đến từ những cánh đồng vàng lúa, đến từ những bác nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng. Quần áo chúng ta đang mặc đến từ các nhà máy dệt. Tri thức chúng ta đang có đến từ quá khứ,
và rất nhiều điều khác...
Khi mình hiểu được giá trị của bản thân, mình sẽ hiểu được giá trị của mọi người, chấp nhận giá trị của người khác.
"Mọi người sinh ra đều có quyền được sống, được tự do và được hạnh phúc !"
Vậy làm thế nào để hòa hợp với mọi người mà không làm mất đi bản sắc riêng, cái giá trị của riêng mình?
Đó là một điều khó, và là một quá trình dài trong suốt nhiều năm tháng học tập. Trong quá trình đó, mình liên tục khám phá, mở rộng bản thân. Đồng thời lắng nghe và học hỏi từ nhiều giá trị khác của cuộc sống. Mình có thể học từ đứa trẻ bi bô biết nói, học từ một người lái xe, từ bạn bè, hay từ một bông hoa mới chớm nở trên cành...
Xin trở lại mối quan hệ giữa con người với con người :
Trong hoạt động giáo dục, người giáo viên tốt - thay vì đưa ra đáp án đúng và bắt học sinh làm theo. Họ đưa ra một vấn đề gợi mở và học sinh có quyền trao đổi, thảo luận với nhau, thử nghiệm, đánh giá vấn đề đấy tùy theo kiến thức của riêng họ.
Với quá trình thử - sai đấy, học sinh khám phá ra kiến thức và học được nhiều điều bổ ích, nhiều bài học riêng cho mình.
Trong gia đình, bố mẹ thường đưa ra một số tiêu chuẩn để con cái tuân theo, điều đó đã làm mất cuộc sống tự do của chính đứa trẻ, và giảm đi vô số cơ hội khác mà nó có thể hướng tới.
Trong nhóm làm việc, mọi người hợp tác với nhau, mọi người đều có quyền đưa ra quan điểm cá nhân. Mọi người sẽ cùng làm việc, cùng trải nghiệm. Đó là một khối đoàn kết, sinh động và thật thú vị !
Trong kinh doanh, hai nhà doanh nghiệp gặp nhau, họ đưa ra phương án của doanh nghiệp mình. Để hợp tác được, họ cần tìm ra điểm chung và có ánh mắt nhận biết từ góc nhìn, quan điểm của đối tác.
Và rất nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống,
khi có một tâm hồn rộng mở, bạn luôn sẵn sàng đón nhận mọi việc đang tới...
- baba33 -
(1) http://diendantoanhoc.net/home/lịch-sử-toán-học/danh-nhân-toán-học/464-nikolai-ivanovich-lobachevsky1792-1856
(2) http://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_em_nhà_Wright
Tags:
Tư duy
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét