Tư duy phản biện là gì ? Nó có phải đơn thuần là Tư duy logic không ?
Nhiều người chê trách tư duy của người Việt Nam thiên về "cãi nhau" hơn là tìm ra giải pháp.
Vậy để hiểu rõ hơn về Tư duy phản biện, chúng ta cùng tìm hiểu các nền tảng cơ bản của nó.
Tư duy phản biện ( Critical thinking ) hàm ý nói tới việc suy xét vấn đề 1 cách "chặt chẽ", "độc lập", "chủ động" tránh các ngụy biện và logic thiếu chặt chẽ. Từ đó ta đưa ra các phương án bổ sung, hoàn thiện vấn đề.
Trong critical thinking, chúng ta không hướng tới việc khẳng định, phủ định hay hướng tới việc đánh giá đúng sai. Mà qua đó, chúng ta đánh giá vấn đề 1 cách tổng thể, đa chiều, để học hỏi các kiến thức từ nhiều góc độ khác nhau. Bổ sung vào các khiếm khuyết, sai sót trong luồng tư duy, trong phương án của mình.
Không cố chấp cho ý kiến của mình là đúng và cố gắng lấy mọi "lý lẽ" để bảo vệ nó, mà cần có cái nhìn khách quan, đa chiều đối với sự việc, sự vật.
Nhà giáo dục John Dewey đã định nghĩa Tư duy phản biện là "sự suy xét chủ động, liên tục, cẩn trọng về một niềm tin hay một lý luận trong đó có chú ý tới các lý lẽ được đưa ra và kết quả mà nó hướng tới."
Michael Scriven thì cho rằng tư duy phản biện là “một năng lực học vấn cơ bản, tương tự như là đọc và viết vậy”, và phát biểu :
“Tư duy phản biện là khả năng, hành động để thấu hiểu và đánh giá được những dữ liệu thu thập được thông qua quan sát, giao tiếp, truyền thông, và tranh luận.”
Như vậy, tư duy phản biện cần được hiểu là một loại tư duy để đánh giá, nó bao gồm sự phê phán và cả tư duy sáng tạo nữa.
Để hiểu tốt được một vấn đề mà chỉ phát hiện lỗi trong ý tưởng và lập luận của người khác là chưa đủ. Sternberg cho rằng :
"Tư duy phản biện là tư duy để giải quyết vấn đề và ra quyết định."
Theo K. B. Beyer thì tư duy phản biện là:
- Không có thành kiến: người có tư duy phản biện là người ham tìm hiểu, biết lắng nghe và có thể chấp nhận ý kiến trái ngược với mình, đề cao giá trị công bằng, tôn trọng bằng chứng và lý lẽ, thích sự rõ ràng chính xác, biết xem xét các quan điểm khác nhau, và sẽ thay đổi quan điểm khi sự suy luận cho thấy phải làm như vậy.
- Biết vận dụng các tiêu chuẩn: cần phải có các điều kiện được thoả mãn nhất định để một phát biểu trở thành có thể tin cậy được. Mặc dù các lĩnh vực khác nhau có thể có các tiêu chuẩn khác nhau, nhưng có một số tiêu chuẩn có thể được áp dụng chung cho nhiều vấn đề, ví dụ như: “…một khẳng định bất kỳ phải … được dựa trên những sự thật chính xác có liên quan, từ các nguồn đáng tin cậy, rõ ràng, không thiên lệch, thoát khỏi logic ngụy biện, hợp logic, lý lẽ vững chắc.”
- Có khả năng tranh luận: đưa ra các lý lẽ với các bằng chứng hỗ trợ. Tư duy phản biện bao gồm cả việc nhận dạng, đánh giá, và xây dựng các lý lẽ.
- Có khả năng suy luận: có khả năng rút ra kết luận từ một hoặc nhiều chi tiết. Để làm được việc này cần phải nhìn thấy được mối quan hệ logic giữa các dữ liệu.
- Xem xét vấn đề từ nhiều phương diện khác nhau: người có tư duy phản biện cần phải tiếp cận hiện tượng từ nhiều quan điểm khác nhau
- Áp dụng các thủ thuật tư duy: Tư duy phản biện sử dụng nhiều thủ thuật tư duy khác nhau, bao gồm đặt câu hỏi, đưa ra các phán đoán, thiết lập các giả định.
M. Lipman đưa ra một danh sách các đặc điểm của người có tư duy phản biện như sau:
* Các đặc điểm quen thuộc:
- Sử dụng các bằng chứng một cách am hiểu, không thiên lệch
- Sắp xếp và diễn giải các ý tưởng một cách ngắn gọn rõ ràng dễ hiểu
- Phân biệt giữa các suy diễn logic có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được
- Đưa ra phán đoán khi không có đủ các bằng chứng để có thể kết luận
- Nỗ lực để dự kiến các tình huống có thể xảy ra đối với các phương án hành động trước khi quyết định chọn phương án nào
- Vận dụng các kỹ thuật giải quyết vấn đề thích hợp vào các tình huống mới hay lĩnh vực khác
- Lắng nghe cẩn thận các ý tưởng của người khác
- Tìm kiếm các cách tiếp cận khác thường cho các vấn đề phức tạp
- Hiểu những khác biệt trong các kết luận, giả định, giả thuyết
- Thường xuyên hỏi quan điểm của người khác và nỗ lực để hiểu cả những giả định và hàm ý của họ
- Nhận ra được những sai lầm trong quan điểm của người khác, những thiên lệch có thể trong các quan điểm đó, và nguy cơ của việc định giá các bằng chứng một cách sai lệch do ảnh hưởng của các quan tâm cá nhân.
* Các đặc điểm đặc biệt khác :
- Hiểu sự khác biệt giữa suy luận và cố gắng suy luận có lý
- Hiểu các ý kiến biểu lộ các mức độ khác nhau của sự tin cậy
- Nhận thức về giá trị và giá cả của thông tin, biết cách tìm kiếm thông tin
- Nhìn thấy và phân biệt được nét khác biệt trong sự tương đồng, không bị lầm lẫn bởi các dấu hiệu bề ngoài
- Có thể dựng lại cấu trúc không chính thức của vấn đề đã được trình bày trong cách thức mà các kỹ thuật chính thức có thể được dùng để giải quyết chúng
- Hiểu sự khác biệt giữa thắng trong sự tranh cãi và có chân lý
- Nhận thức rằng các vấn đề trong thực tiễn có thể có nhiều hơn một giải pháp và những giải pháp đó khác nhau về một vài phương diện và có thể khó chọn ra giải pháp tốt nhất
- Có khả năng lượt bỏ các câu chữ hay lý lẽ ít liên quan
- Nhạy cảm với sự khác nhau giữa sự có thể chấp nhận được và sức mạnh của một niềm tin
- Có thể trình bày lại các quan điểm khác nhau mà không thay đổi, cường điệu hay tô vẽ thêm
- Nhận thức rằng sự hiểu biết của cá nhân luôn luôn là hạn chế cho nên với một thái độ không quan tâm tìm hiểu và học hỏi thì thường xuyên là phải lầm lẫn
Mathew Lipman đã đi sâu vào phân tích một số đặc điểm bản chất của tư duy phản biện như sau:
- Sản phẩm của tư duy phản biện là các phán đoán:
Phán đoán là hình thức diễn đạt chung của mọi quan điểm, ước lượng, và kết luận, do đó, cũng bao hàm cả các cách thức giải quyết vấn đề, quyết định được đưa ra, sự thông hiểu khái niệm. Vì vậy, nói rằng sản phẩm của tư duy phản biện là các phán đoán thì có ý nghĩa rất khái quát.
Tuy nhiên, tư duy phản biện hướng đến sự khôn ngoan nên các sản phẩm được nhắm đến của tư duy phản biện phải là các phán đoán tốt. Sự phân biệt cơ bản giữa một phán đoán tốt và một phán đoán không có giá trị là tính ứng dụng thực tiễn của nó. Mọi người, cho dù họ là bác sĩ hay nông dân, họ đều phải thường xuyên đưa ra các phán đoán trong công việc cũng như trong đời sống.
Một bác sĩ giỏi không thể chỉ chẩn bệnh tốt mà còn phải kê đơn thuốc và tiên lượng phản ứng của bệnh nhân, cũng như là các cân nhắc về vấn đề đạo đức. Một phán đoán tốt là kết quả của sự xem xét đến tất cả mọi vấn đề liên quan, bao gồm cả chính phán đoán đó. Một phán đoán tốt phải là sản phẩm của một tiến trình tư duy thuần thục về kỹ năng và có sử dụng các thủ thuật và công cụ hỗ trợ thích hợp.
Tư duy phản biện là loại tư duy ứng dụng. Do đó, nó không chỉ nhắm đến việc đạt được sự hiểu biết, mà còn là việc vận dụng kiến thức để tạo ra những thay đổi tích cực. Một cách tóm tắt: sản phẩm tối thiểu của tư duy phản biện là các phán đoán, và sản phẩm tối đa của nó là sự ứng dụng thực tiễn của các phán đoán đó.
- Tư duy phản biện là loại tư duy dựa vào tiêu chuẩn
Có một mối quan hệ logic giữa các khái niệm tư duy phản biện, tiêu chuẩn, và phán đoán, đó là: Tư duy phản biện được nhận định như là một loại tư duy đáng tin cậy, thuần thục về kỹ năng và khả năng đánh giá, do vậy, không thể hiểu tư duy phản biện mà thiếu quan tâm đến tiêu chuẩn.
- Tư duy phản biện là loại tư duy tự điều chỉnh
Phần nhiều những suy nghĩ của chúng ta là rất chủ quan, chúng ta không thường tự tranh luận với mình xem điều mình nghĩ là đúng hay sai. Chúng ta thường suy nghĩ một cách chung chung, từ việc này liên tưởng đến việc khác, nhưng không quan tâm đầy đủ đến vấn đề chân lý hay giá trị, và thậm chí ít quan tâm đến khả năng có thể mắc sai sót.
Mặc dù chúng ta có thể tự phản ánh chính suy nghĩ của mình, nhưng vẫn có thể làm điều đó một cách chủ quan. Vì thế, việc phát hiện ra những mâu thuẫn, thiếu căn cứ, nhầm lẫn trong tiến trình tư duy của mình và sửa chữa tất cả các lỗi là một mục tiêu của tư duy phản biện.
- Tư duy phản biện thể hiện sự nhạy cảm trước bối cảnh
Tư duy nhạy cảm với bối cảnh có nghĩa là phải:
· Nhận thức được các tình huống ngoại lệ hay khác thường. Chúng ta thường suy nghĩ đến tính chân thực hay giả dối của một phát biểu độc lập với tính cách của người nói, nhưng trong toà án, tính cách của nhân chứng có thể là một yếu tố có liên quan để xem xét.
· Nhận thức được các giới hạn đặc biệt, các biến cố, các rào cản của suy luận có lý (những thành kiến, định kiến). Ví dụ như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau, điều này là chắc chắn trong hình học Euclidean, nhưng trong hình học phi Euclidean thì không.
· Nhận thức được tính tổng thể và nhạy cảm với những cái đặc biệt và đơn nhất
· Nhận thức được các dấu hiệu không điển hình
· Nhận thức được rằng có một số thuật ngữ có thể có sự thay đổi về nghĩa khi chuyển sang bối cảnh khác hay lĩnh vực khác, có một số thuật ngữ không có từ tương đương trong ngôn ngữ khác, hay chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh đặc biệt.
- Tổng hợp và biên soạn từ bài viết của Ths. Lê Tấn Huỳnh Cẩm Giảng và các tác giả khác - baba33 -
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét