1. Tình yêu
Viết là để chia sẻ với người đọc. Nói là để chia sẻ với người nghe. Và đã là chia sẻ thì ta chỉ nên chia sẻ tình yêu. Thế giới này đã có đủ chiến tranh và thù hận. Thế giới không cần và không nên có thêm một giảng sư thuyết giảng thù hận và ghen ghét.
Và tình yêu đây không có nghĩa là tình yêu với cách mạng, với chính trị, với triết ly’, với đạo giáo, và với đủ mọi thứ vớ vẩn khác. Cho đến mức cùng tận, tình yêu chỉ có một nghĩa đúng mà thôi; đó là tình yêu cho con người—những người chung quanh ta, gia đình, trường học, sở làm, làng xã, thành phố, quốc gia, thế giới.
Tình yêu ở đây là tình yêu cho những người đang đi lại gồng gánh ngoài đường, còng lưng ngoài ruộng, hì hục với máy móc trong công xưởng, dán mắt vào màn ảnh computer trong văn phòng, dãi nắng dầm mưa trên những chiếc xe ôm ngoài phố. Con người đây không phải là khái niệm trừu tượng “con người là một con vật suy tư” hay là “con người là một con vật kinh tế” của các triết gia.
Tình yêu cho con người ở đây cụ thể như mẹ thưong con, vợ thương chồng, anh thương em. Nếu không có loại tình yêu như thế làm căn bản, thà rằng đừng viết, vì viết mà không có tình yêu thật sự thì thường là hại hơn là lợi cho thế giới này.
2. Cẩn trọng với lời nói
Một bài viết có thể có hàng nghìn người đọc. Một lời nói trước đám đông có ít nhất là vài chục người nghe. Ảnh hưởng của một lời nói, một bài viết, có thể đi rất xa, cho nên ta phải có trách nhiệm đủ để cẩn thận lời nói. Đừng để lời nói thiếu suy xét, thiếu bình tĩnh, thiếu yêu ái, thiếu xây dựng của mình đi ra.
Nói chuyện với bạn trong quán cà phê là khác. Viết cho hàng nghìn người đọc hay nói trước một nhóm cử tọa hay một lớp học trò đòi hỏi ta phải cẩn trọng.
Con người ta chỉ có ba loại hoạt động chính: từ suy tư của ta, từ thân ta, và từ lời nói của ta. Suy tư là loại hành vi tri thức quan trọng nhất. Nhưng rốt cuộc suy tư cũng đi ra ngoài bằng ngôn từ và hành động. Và trong thời đại này, hành động bằng thân thể thì ít mà bằng ngôn từ thì nhiều. Vì vậy, ngôn từ là hành động quan trọng và thường xuyên nhất trong kỷ nguyên này. Ta phải rất cẩn trọng với ngôn từ, và phải luôn luôn nghĩ đến hậu quả của ngôn từ của mình lên thế giới của mình.
Có những chuyện nên nói cách này mà không nên nói cách kia. Có những chuyện chưa nên nói lúc này, mà chỉ nên đợi lúc khác. Ngôn từ phải được sử dụng tùy nơi, tùy lúc tùy trường hợp, không thể bừa bãi được.
3. Thành thật
Mỗi người chúng ta có thể bị chi phối từ cả chục hướng khác nhau khi nói hay viết một bài: quyền lợi riêng của mình, mấy chủ nghĩa lăng nhăng trong đầu mình, quyền lợi của công ty của mình, quyền lợi của đảng mình, quyền lợi của hội thánh mình, nói theo đám đông để được khen thưởng và tránh đụng chạm, nói ngược đám đông để nổ, nói điều mình không tin chỉ để chỉ nghe tán thưởng, không biết cũng nói như biết, biết một thì nói như biết mười, chỉ biết lơ mơ lý thuyết cũng nói như chính kinh nghiệm của mình, nói ngược lại sự thật của mình vì sợ, v.v…
Nói chung là lý do để chúng ta không thành thật có rất nhiều và luôn luôn nằm đó mỗi khi ta viết, ta nói. Bạn có đủ thành thật để không bị chúng chi phối và chỉ viết và nói đúng những điều gì mình tin tưởng tận đáy lòng không?
4. Can đảm
Nếu ta không có can đảm thì ta không thể có được 3 điều trên. Tình yêu, lời nói cẩn trọng và thành thật cũng vô ích, và không thể phát tiết ra ngoài được.
5. Khiêm tốn
Nếu bạn không thực sự khiêm tốn trong lòng thì bốn điều trên—tình yêu, ngôn từ cẩn trọng, thành thật và can đảm– đều sẽ bị phá vỡ không sớm thì muộn.
- Dĩ nhiên là ta có thể kể thêm nhiều đức tính khác cần thiết cho người sử dụng ngôn từ, nhưng đây là 5 điều căn bản nhất để ngôn từ của bạn có thể làm đẹp, thay vì là rác rến, cho thế giới.
Và “người sử dụng ngôn từ” ở đây bao gồm báo giới, người viết trên mạng Internet, người nói với học trò trong lớp, và các quí vị chính chị chính em đọc diễn văn.
Trong kỷ nguyên thông tin của chúng ta, thông tin, tức là ngôn từ, là cốt lõi chính của kỷ nguyên này. Muốn cho cái lõi của ta chắc chắn, ngôn từ của ta phải chắn chắn, vững chải, đáng làm nền. Nếu ta chỉ nói ra rác rến, cái lõi của nền văn minh hiện tại của chúng ta sẽ dần dần biến thành rác rến.
http://dotchuoinon.com/2009/06/21/noi-va-vi%E1%BA%BFt-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-nao/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét