Vai trò của ý thức và tiềm thức trong sáng tạo nghệ thuật :
Thứ nhất: tác phẩm nghệ thuật phải hiện hình ra để mọi người khác ý thức được nó, do vậy ý thức là cái bệ đỡ, là mặt đất mà trên đó tác phẩm phải lộ diện. Nếu coi mặt phẳng ý thức như mặt phẳng đồng đại - thì thực tại là tác phẩm nghệ thuật phải có mặt ở đó - để mọi người thấy nó.
Thứ hai là thực tại phong phú - ta càng có nhiều hạt của đời sống ý thức - càng cho nó lắc mạnh thì từ cái sàng của nó càng có nhiều hạt rơi xuống tầng tiềm thức - càng có nhiều hạt mầm được ươm dưới lớp đất sâu của tầng tiềm thức. Biết nhiều càng quên nhiều. Câu đó không vu vơ mà rất có lý. Biết nhiều để quên nhiều - cho nó ủ kỹ dưới tầng sâu, biến nó thành thói quen, thành “máu thịt” của mình - làm giàu cho giai đoạn ta gọi là ấp ủ trong sáng tạo.
Thứ ba là muốn cho có hạt mầm từ tầng sâu nảy lên thì tầng ý thức phải có nhiều hạt rơi xuống và phải rơi xuống mạnh mẽ - gây xáo động ở tầng dưới. Ý thức sâu sắc thực tại, để cho thực tại vào mình có giá trị tạo ra những điều đó. Marxim Gorki không làm việc vô bổ khi ông lăn lộn trên các nẻo đường của thực tại ý thức hết những điều đó. Lý Bạch, Đỗ Phủ, không làm việc vô ích là sống hết thời mình.
Và họ không hề mô tả đơn thuần thời đại, không làm tấm gương phản ánh đơn thuần mà hoạt động ý thức của họ rung ngân, làm xáo động làn sóng vô hình giữa tầng ý thức và tiềm thức của họ, làm nảy nở những hạt mầm hiện lên thành những tác phẩm. Mặt khác từ một luồng khói vô hình không giải thích nổi - với sự tham gia của những hạt mầm tiềm thức sâu xa, Bosch (thế kỷ 15) đã vẽ những cảnh địa ngục quái dị, trọng làm thân, gốc cây làm chân, đầu người thật, nón mũ là cái ván gỗ trên đó có những người tí hon đi lại, người mỏ chim đầu hổ, con bọ có cánh chuồn chuồn và bao nhiêu hình ảnh quái dị.
Những hình ảnh đó có cái gì sâu sắc dị thường về bản chất con người. Nó hoàn toàn không phải sự tính toán duy lý. Có mãnh lực nào đó, từ đâu đó sâu xa đã thúc đẩy ông vẽ ra những điều đó, cảnh đó. Những ấn tượng thị giác - quả như Freud nhận định - đều đến từ xa hơn rất nhiều so với ấn tượng thính giác tạo ra cái gọi là tâm tứ - hình thức sơ khai của ngôn ngữ bên trong.
http://reds.vn/index.php/tri-thuc/tam-ly-hoc/4188-moi-quan-he-giua-sang-tao-nghe-thuat-va-tiem-thuc
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét