Shinichi Suzuki
Trong nền giáo dục âm nhạc cho trẻ em ở nhiều nước hiện nay, nhất là ở các nước phát triển, bốn phương pháp Dalcroze, Kodály, Carl Orff, và Suzuki là các phương pháp giảng dạy và thực hành được biết đến nhiều nhất. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu tiếp bài thứ 5 và là bài cuối của loạt bài về giáo dục âm nhạc cho trẻ em: Phương pháp Shinichi Suzuki.
Phương pháp Suzuki đặc biệt chú trọng khai triển một ý niệm cho rằng tất cả mọi trẻ em đều có tài năng, và tài năng này có thể được phát triển và nâng cao thông qua một môi trường khuyến khích và bồi dưỡng. Không ai có thể định trước tài năng của một đứa trẻ mà chỉ có thể nhận biết được tài năng của nó trong khuôn khổ là tài năng ấy có cơ hội để phát triển hay không, hay là lại để hao phí.
Thế nên, trong mỗi đứa trẻ (nếu nó không bị ngăn trở bởi khuyết tật về cơ thể hoặc về tâm thần) đều có một “thiên tài” hoặc cái khả năng “lĩnh hội tối đa” sự vật.
Thông thường, người ta thường coi việc một đứa trẻ học nói là một chuyện tự nhiên, nhưng đối với Suzuki, đó là một sự “kì diệu”. Ông khảo sát những quy trình lĩnh hội ngôn ngữ ở đứa trẻ và hình thành một phương pháp giáo dục âm nhạc gọi là phương pháp “Mother-Tongue/Tiếng-mẹ-đẻ”.
Ông nhận thấy rằng, dù đang trong giai đoạn học nói, một đứa trẻ có thể nói chuyện một cách trôi chảy (khoảng ba ngàn từ ở năm thứ hai) và người ta có thể dạy cho một đứa trẻ biết nhạc y như thể người ta dạy cho một đứa trẻ biết nói, trẻ em có thể lĩnh hội âm nhạc qua sự “bắt chước”: Thật vậy, một đứa trẻ học nói bằng cách lắng nghe và lặp lại thường xuyên những lời nói được bố mẹ nó thường xuyên khuyến khích và tập cho nó nói.
Phương pháp “Mother-Tongue” đề xuất một số điều kiện cần thiết như: bắt đầu học nhạc sớm, học bằng tai, học theo nhóm, sự tham dự của phụ huynh.
- Bắt đầu học nhạc sớm: Phát huy những lợi thế về sức sống tiềm tàng trong những năm đầu đời của đứa trẻ (3-5 tuổi), là điều vốn có thể tác động hoặc quyết định trên sự phát triển những quy trình về trí năng và về sự tiết hợp cơ bắp của đứa trẻ; thậm chí khuyến khích những bà mẹ mang thai lắng nghe những bài nhạc ở trình độ sơ cấp để đứa trẻ đang ở trong bụng cũng được nghe, và khi nó bắt đầu theo học thì có thể nhận ra âm nhạc của các bài nhạc ấy ngay.
- Học bằng tai: Đứa trẻ học một nhạc cụ bằng cách lắng nghe và liên tục lặp lại lời hát, giai điệu, tiết tấu của một bài nhạc; tạo điều kiện tốt nhất cho âm nhạc bước vào cuộc sống của đứa trẻ và của gia đình nó một cách tự nhiên, và trở thành một “phương pháp sống”; âm nhạc sẽ là một thành phần thiết yếu (như ngôn ngữ) trong môi trường sống của trẻ qua những phương thức như nghe nhạc ở nhà, đi nghe các buổi hòa nhạc ..v.v….
- Học theo nhóm: Việc học nhóm – trong một môi trường thân thiết, tích cực, hợp tác – giúp cho tính tương tác xã hội trong đứa trẻ nảy nở và phát triển; giúp cho trẻ học hỏi để cảm biết vai trò của chính nó trong lòng nhóm và cảm biết ra cái “phong cách” riêng của nó: khả năng hòa quyện cùng người khác mà không chối bỏ “tự thân thâm sâu” của chính nó; tất nhiên, cũng có những giờ học riêng bổ trợ cho những giờ học tập thể và những buổi hòa tấu.
- Sự tham dự của phụ huynh: phụ huynh bắt buộc phải có mặt cùng với đứa trẻ trong mỗi buổi học; theo sát những bước phát triển của trẻ, hoặc thậm chí, cùng học và thực hành âm nhạc với trẻ khi ở lớp học cũng như khi ở nhà, nói cách khác, một sự tham dự tích cực trong việc giáo dục âm nhạc và giáo dục nhân cách cho trẻ.
Một số khác biệt giữa phương pháp giáo dục âm nhạc kiểu truyền thống và phương pháp Suzuki có thể được liệt kê như sau:
Phương pháp truyền thống
1) tìm tài năng qua gạn lọc
2) nói chung, bắt đầu học ở độ tuổi 6-10
3) không dự kiến sự tham dự của phụ huynh
4) yêu cầu đứa trẻ thực hành âm nhạc trước, rồi sau đó, mới thực thụ lắng nghe âm nhạc
5) việc đọc nhạc đi trước việc chơi nhạc
6) mục tiêu là giảng dạy âm nhạc
7) chú trọng trên những kết quả đạt được
Phương pháp Suzuki
1) phát huy tài năng có sẵn trong mỗi đứa trẻ
2) bắt đầu học ở độ tuổi 3 - 4
3) gia đình giữ vị trí trung tâm trong quy trình học nhạc
4) yêu cầu đứa trẻ lắng nghe âm nhạc trước, rồi sau đó, mới thực thụ thực hành âm nhạc
5) việc chơi nhạc đi trước việc đọc nhạc
6) mục tiêu là giáo dục trẻ
7) chú trọng trên những PHUƠNG CÁCH đã mang lại những kết quả
“Nghệ thuật không phải là điều gì đó ở bên trên hoặc ở bên dưới con người tôi, nghệ thuật gắn liền với cái thực chất thâm sâu nhất trong tôi”, Suzuki tâm sự. Hẳn đây cũng là yếu tố mà ông mong muốn để phương pháp của mình có thể khơi dậy cho những người trong thời niên thiếu của mình đã có dịp được tiếp cận và thực hành phương pháp của ông.
Vài lời kết
Với bốn phương pháp Dalcroze, Kodály, Carl Orff, Suzuki, việc giáo dục âm nhạc cho trẻ em ở thế kỉ 20 đã nhận được một cú hích “đổi đời”, một sự quan tâm và một sự phổ cập chưa từng có. Tất nhiên, như mọi phương pháp, dù có thành công thế nào, cũng sẽ nảy sinh những quan sát dè dặt hoặc những ý kiến phê phán (chẳng hạn như có một vài nhạc sư cho rằng, thực hành việc “nghe nhạc đi trước” có thể sau đó sẽ khiến một số nhạc sinh lười, chán hoặc thiếu hiệu quả trong việc đọc nhạc).
Tuy nhiên, bốn phương pháp này đã mặc nhiên được công nhận và trở thành những nguồn hỗ trợ về nhận sự, về kĩ thuật, về bài bản ..v.v.. cho các cơ chế giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp. Nhiều thế hệ trẻ em ở những nước có vận dụng các phương pháp này đã nhận được những phúc lợi không thể chối cãi.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét