Trong nền giáo dục âm nhạc cho trẻ em ở nhiều nước hiện nay, nhất là ở các nước phát triển, bốn phương pháp Dalcroze, Kodály, Carl Orff, và Suzuki là các phương pháp giảng dạy và thực hành được biết đến nhiều nhất
Được Kodály cùng với các cộng sự viên và các học trò của ông khai triển ở những thập niên 1940 và 1950, phương pháp Kodály mong muốn xây dựng một nền giáo dục âm nhạc phổ thông dựa trên một hệ thống ý niệm, còn được gọi là “Kodály Concept”, chẳng hạn như:
- Âm nhạc là một nhu cầu hàng đầu của cuộc sống, giáo dục âm nhạc phải bắt đầu từ rất sớm (trước tiểu học), và nên được gắn kết với giáo dục phổ thông;
- Ai có khả năng đọc và viết đều có khả năng học hỏi và thực hành âm nhạc;
- Chỉ có âm nhạc có chất lượng cao nhất mới tương xứng với sự thú vị của trẻ em;
- Tình yêu âm nhạc trong mỗi đứa trẻ sẽ đuợc phát triển dần dần qua những phương thức giảng dạy/học hỏi/luyện tập thích ứng;
- Giọng hát: nhạc cụ hữu cơ nhất, phải được ưu tiên chú trọng;
- Ca hát được thực hành qua những dạng thức tập thể, giúp trẻ em lĩnh hội tính tương tác và nhu cầu truyền thông qua ngôn ngữ/qua âm nhạc, giúp trẻ em trải nghiệm tiết tấu, cao độ, động tác và sự vui thú;
- Trò chơi mang một giá trị nhân bản thuần khiết: nó tăng gia kinh nghiệm tồn tại xã hội và niềm vui sống;
- Quy trình giảng dạy/học hỏi/thực hành phải luôn luôn uyển chuyển, cho phù hợp với tuổi tác và trình độ của đứa trẻ;
- Bài bản âm nhạc và sinh hoạt âm nhạc phải được vận dụng một cách sáng tạo.
Mang tính hệ thống hóa và tính trình tự cao, những phương thức giảng dạy/thực hành âm nhạc của phương pháp Kodály chú trọng vào một số yếu tố như:
- Rèn luyện đồng thời tai, mắt, chân tay, và sự cảm âm;
- Sử dụng những kí hiệu tiết nhịp và âm tiết trong xướng âm-tiết-tấu;
- Sử dụng sự ra dấu bằng tay (khi xướng âm) để diễn đạt thứ bậc trong thang âm;
- Hát, múa, trình tấu các nhạc cụ qua trí nhớ: những khúc hát-trò chơi, những làn điệu/những bài hát dân ca truyền thống, và sau đó, mở rộng ra âm nhạc của các nền văn hóa và của các xứ khác;
- Trình tấu, nghe, và phân tích âm nhạc nghệ thuật trên thế giới;
- Rèn luyện việc đọc và viết nhạc, hát và hát bè;
- Sử dụng vốn liếng âm nhạc đạt được ở mỗi trình độ để ứng tấu và sáng tác;
- Sử dụng các nhạc cụ tiết tấu và các nhạc cụ giai điệu để nâng cao kinh nghiệm âm nhạc;
- Lĩnh hội cao độ qua giọng óc, qua các phương thức như hát hồi thanh, hát hỏi, hát đáp, hát sáng tác, hát kể;
- Đọc nhạc như đọc một quyển sách: trong im lặng, nhưng hình dung ra thanh âm trong đầu;
Kodály được ví là một nhà “hiền triết” của nền âm nhạc Hungary, người đã “khiến một dân tộc cất tiếng hát”. Phương pháp của ông hiện nay đã trở thành một di sản chung, được vận dụng và đánh giá cao, và được ông, trong một chừng mực nào đó, biểu đạt một cách tóm lược qua hai đoạn viết sau:
“Dạy âm nhạc và dạy hát tại nhà trường phải là một phương cách mang lại niềm vui cho trẻ em chứ không phải là một sự tra khảo; mở rộng dần dần lòng khát khao về một thứ âm nhạc tinh tế hơn trong trẻ em, một lòng khát khao kéo dài suốt đời.
Nếu đứa trẻ không được chan hòa, ít nhất là một lần, trong cái dòng chảy sinh khí của âm nhạc ở độ tuổi nhạy cảm nhất, từ 6 đến 16, thì sau đó cái dòng chảy ấy sẽ khó mà phát huy hiệu lực của nó. Một kinh nghiệm đơn nhất thường lại có thể mở tâm hồn của đứa trẻ ra cho âm nhạc suốt cuộc đời. Kinh nghiệm này không thể chỉ trông cậy vào sự tình cờ, chính nhà trường có bổn phận tạo ra nó.” (The Selected Writings of Zoltan Kodály, Boosey & Hawkes, 1974, tr. 120).
“Những phẩm chất của một nhạc sĩ tài ba có thể được tổng kết như sau:
1) Một đôi tai được rèn luyện tốt;
2) Một trí năng được rèn luyện tốt;
3) Một trái tim được rèn luyện tốt;
4) Một đôi tay được rèn luyện tốt.
Tất cả phải được phát triển cùng nhau, luôn luôn trong sự quân bình.
Vừa khi một trong các yếu tố ấy tụt hậu hoặc hấp tấp tiến tới trước, thì sẽ có cái gì đó không ổn. Phần lớn bạn chỉ thỏa đáp được yêu cầu của yếu tố thứ tư: sự rèn luyện các ngón tay, và bỏ lại đằng sau ba yếu tố kia. Thế nhưng, các bạn có thể đạt được một kết quả y như thế, một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, khi các bạn đồng thời rèn luyện các yếu tố kia.”
http://www.giaidieuxanh.vn/news/7048/Ph%E1%BA%A7n%203:%20Ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20Kod%C3%A1ly.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét