Émile Jaques-Dalcroze (1865 –1950)
Trong nền giáo dục âm nhạc cho trẻ em ở nhiều nước hiện nay, nhất là ở các nước phát triển, bốn phương pháp Dalcroze, Kodály, Carl Orff, và Suzuki là các phương pháp giảng dạy và thực hành được biết đến nhiều nhất
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một trong 4 phương pháp đó: Phương pháp Dalcroze.
Dalcroze cho rằng nền giáo dục nghệ thuật có thể được xây dựng chung quanh ba yếu tố cơ bản: tính bén nhạy của hệ thần kinh, ý thức về tiết nhịp, sự biểu đạt cảm xúc.
Trong qui trình học hỏi và thực hành nghệ thuật, ba yếu tố nền tảng này gắn kết với nhau, chúng thường thỏa đáp những năng khiếu đặc thù nhất nhưng cũng thỏa đáp những thôi thúc chủ yếu trong biểu đạt nghệ thuật. Phương pháp giáo dục âm nhạc Dalcroze dựa trên một số nhận xét có tính nguyên tắc như:
- Âm nhạc bắt đầu tự thực hiện nó khi cảm xúc con người được chuyển thành động tác âm nhạc;
- Con người trải nghiệm cảm xúc một cách vật lí;
- Con người trải nghiệm cảm xúc thông qua các cảm giác co thắt/nới thả của cơ bắp;
- Các hiệu ứng của cảm xúc nội tại sẽ được ngoại tại hóa qua động tác, tư thế, cử chỉ, và âm thanh: một số có tính cách tự động, một số có tính cách tự phát, và một số là kết quả của lí trí và của ý chí;
- Những cảm xúc nội tại được chuyển thành âm nhạc qua những động thái như nhịp thở, nhịp hát, hoặc sự trình tấu một nhạc cụ.
- Trong âm nhạc, cơ thể con người chính là một nhạc cụ đầu tiên cần được luyện tập.
Một cách cụ thể, trong lúc tìm cách cải thiện kĩ năng thực hành âm nhạc cho nhạc sinh, Dalcroze cảm thấy rằng âm nhạc, động tác, tâm trí, và cơ thể có thể được phối hợp qua kinesthetics (tạm dịch: giác động học).
Múa và các động tác trừu tượng khi thể hiện âm nhạc tăng cường kĩ năng giác động học, cũng như tăng cường ý thức về không gian cho nhạc sinh. Dựa trên tiền đề cho rằng tiết tấu chính là nguyên tố đầu tiên của âm nhạc, và nguồn gốc của mọi dạng thức tiết tấu có thể tìm ra trong tiết tấu tự nhiên của cơ thể, Dalcroze triển khai một phương pháp gọi là Eurhythmics (Thể dục nhịp điệu), hợp nhất ba thành tố: Solfa (Xướng âm), Improvisation (Ứng tác), Rhythmics (Tiết tấu).
* Xướng âm: lí thuyết, hòa âm, thang âm, giai điệu, luyện tai-mắt, sự đúng giọng ..v.v … được sinh động hóa qua việc hợp nhất khái niệm tiết tấu và khái niệm không gian. Theo nghĩa này, chẳng hạn, thời lượng của những cao độ và sự cách biệt của những cao độ có thể được khảo sát đồng thời khi khảo sát chính những cao độ ấy (được gọi là Tiết tấu Xướng âm), hoặc luyện tai và luyện giọng qua những thang âm bắt đầu với một nốt không phải là nốt chủ âm.
* Ứng tấu: phát triển sự hợp nhất giữa khả năng nội-thính âm nhạc và cơ thể, vận dụng tiết tấu âm nhạc, tiết tấu cơ thể, và tiết tấu lời nói nhằm biểu đạt tính cá biệt một cách hồn nhiên; ứng tấu được áp dụng trong khí nhạc cũng như trong thanh nhạc.
* Tiết tấu: khai thác các hiệu ứng nội tại hóa và ngoại tại hóa của tiết tấu trong tương quan với Xướng âm và Ứng tấu; biểu đạt tiết nhịp cơ thể và tâm trí theo những qui luật cơ bản dựa trên một số nhận định như: tất cả mọi yếu tố âm nhạc đều có thể được trải nghiệm qua động tác, mọi âm điệu đều bắt đầu với một sự chuyển động, mỗi thanh âm tương ứng với một cử chỉ và mỗi cử chỉ tương ứng với một thanh âm, mỗi yếu tố âm nhạc – sự nhấn âm, cách phân câu, độ năng động, nhịp thức, v.v…, cần được lĩnh hội thông qua sự chuyển động.
Dalcroze đề xuất một công thức xác định ra Eurhythmia (độ cân đối nhịp nhàng):
Eurhythmia = Không gian+Thời gian+Năng lượng+Trọng lượng+ Quân bình+ Uyển chuyển/Trọng lực.
Âm nhạc được thực hiện một cách tối hảo khi tất các các yếu tố này cân xứng. Phương pháp Dalcroze dường như muốn định nghĩa lại những yếu tố cơ bản của âm nhạc nhằm đạt tới những biểu đạt mạch lạc trong khuôn khổ của những định nghĩa khoa học.
Vạn vật được cấu thành bởi vật chất. Vật chất bao hàm năng lượng. Vật chất (năng lượng) chuyển lưu trong không gian và được gọi là động tác. Trong âm nhạc, động tác là phách nhạc và phách nhạc nhả năng lượng qua nhiều cách. Vì vậy phách nhạc tùy thuộc vào mức độ năng lượng được vận dụng và độ rộng của không gian được vận dụng.
Năng lượng được miêu tả như là độ sôi nổi trong âm nhạc, tuy nhiên, Dalcroze qui định rằng năng lượng còn bao gồm những cảm giác mà cơ thể nhận được. Một trong những mục tiêu của phương pháp Dalcroze là nhằm để phát triển một ý thức động giác học: cung cách mà phách nhạc chuyển lưu trong thời gian và không gian. Theo nghĩa này, tiết tấu không đơn thuần chỉ là nhịp thức của âm nhạc, mà còn là các yếu tố không gian, thời gian, và năng lượng.
Phách nhạc mang một thời lượng định rõ, hoặc một giá trị thời gian. Tính chất của thời gian tùy thuộc vào cách thức mà phách nhạc được khởi tấu, duy trì, và buông nhả. Dalcroze nhận thấy rằng nhạc sinh thường liên tưởng sự chuyển đổi về độ sôi nổi (năng lượng) với sự chuyển đổi về nhịp độ (thời gian), ví dụ: trình tấu nhẹ hơn có nghĩa là trình tấu chậm hơn.
Thời gian và năng lượng là hai thực thể độc lập. Phách nhạc chuyên chở sức nặng. Khi quan sát một nhạc trưởng giỏi điều khiển một dàn nhạc, người ta có thể cảm thấy sức nặng của mỗi nhịp đập và của mỗi động tác. Sức nặng có thể được nhận thức trong một dòng nhạc. Sức nặng của một dòng nhạc đơn nhất hẳn sẽ ít hơn sức nặng của tám bè nhạc trong một khúc hợp xướng. Tương tự, những nhạc cụ trầm thêm vào trong một dàn nhạc mang lại một cảm giác về một sức nặng lớn hơn.
Sự cân xứng chỉ có thể đạt tới khi sức nặng được điều tiết. Sự cân xứng là yếu tố cốt yếu của tiết tấu. Mục tiêu tối hậu của phương pháp Dalcroze là để đạt tới một sự cân xứng giữa tất cả những thành tố: phách nhạc, không gian, năng lượng, độ uyển chuyển, và sức nặng. Dalcroze định nghĩa độ uyển chuyển là một phẩm chất của động tác giữa những cao độ. Đây chính là yếu tố mang lại sự sống động và hứng thú cho buổi trình tấu, và một cách cơ bản, là điều sẽ được truyền đạt cho khán thính giả.
Dalcroze soạn ra hơn 1000 nhạc bản cho những lớp thể dục nhịp điệu cũng như những bài tập thẩm âm và xướng âm. Thể dục nhịp điệu Dalcroze còn được nghiên cứu để phát triển năng lực tập trung, kĩ năng nghệ thuật, kĩ năng hòa tấu, kĩ năng phối hợp trí nhớ, và phát triển ý thức về thân thể cũng như ý thức sáng tạo. Phương pháp Dalcroze không những được triển khai áp dụng trong các bộ môn nghệ thuật nghe-nhìn mà còn được triển khai áp dụng trong khoa trị liệu và giáo dục tổng quát.
http://www.giaidieuxanh.vn/news/6014/Ph%E1%BA%A7n%202:%20Ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20Dalcroze.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét