Carl Orff
Trong nền giáo dục âm nhạc cho trẻ em ở nhiều nước hiện nay, nhất là ở các nước phát triển, bốn phương pháp Dalcroze, Kodály, Carl Orff, và Suzuki là các phương pháp giảng dạy và thực hành được biết đến nhiều nhất.
Phương pháp Carl Orff
Ở các thập niên 1920 và 1930, Carl Orff cùng với Mary Wigman (học trò của Dalcroze) và một số đồng nghiệp thử nghiệm và hình thành một phương pháp tiếp cận âm nhạc, được biết đến dưới cái tên Orff-Schulwerk (Music for Children/Âm nhạc cho Trẻ em).
Phương pháp này coi các yếu tố ngôn ngữ, nhảy múa, và âm nhạc (hoặc lối nói, động tác, và trình tấu) là những hình thái biểu đạt ngang nhau, chúng mang một mẫu số chung hoặc một tính thống nhất, gọi là âm nhạc “cơ bản” (elemental). Tính chất “cơ bản” này được trải nghiệm qua cơ thể khi con người vận dụng động tác để thực hành âm nhạc. Orff cho rằng, một đứa trẻ, ít nhất là về mặt âm nhạc, thì giống như một người nguyên thủy: cả hai đều mộc mạc và trông cậy vào tiết nhịp tự nhiên và động tác tự nhiên để thể hiện âm nhạc.
Những quy trình giảng dạy/học tập/thực hành của phương pháp Carl Orff chú trọng vào tính hồn nhiên; coi kinh nghiệm đi trước khái niệm; mở rộng sự lĩnh hội âm nhạc qua thực hành; khuyến khích sự tham dự tích cực trong khám phá và sáng tạo âm nhạc; qua thực hành âm nhạc, gợi chuyển xung lực của đứa trẻ thành những kinh nghiệm vật lí và cảm xúc vốn sẽ góp phần vào sự hình thành và tăng trưởng toàn diện của đứa trẻ.
Không như nhiều phương pháp giáo dục âm nhạc truyền thống – muốn đứa trẻ phải học xướng kí âm ngay – phương pháp Carl Orff ưu tiên vận dụng trò chơi, sự ứng tấu, sự sáng tác. Mỗi đứa trẻ đều có cùng cơ hội để thể hiện mình trong một môi trường hào hứng và không ganh đua, nơi đứa trẻ có thể nhận được một trong những phần thưởng của mình: niềm vui thú khi thực hành tốt âm nhạc với những người bạn.
Một số ý niệm và phương thức thực hành cụ thể trong phương pháp Carl Orff:
- Tiết nhịp là yếu tố quan trọng nhất trong âm nhạc; nó là một thuộc tính cố hữu trong nói, múa, và hát.
- Nói và hát là khởi điểm tự nhiên trong việc giáo dục âm nhạc cho đứa trẻ và là một động thái tiết nhịp tự nó.
- Trẻ em nên được học nhạc y như thể chúng được học nói; nên được tiếp cận và cảm nhận âm nhạc trước khi tiếp cận và học hỏi những lí thuyết và những khái niệm.
- Sự chuyển tiếp từ lối nói sang những họat động tiết nhịp và sau đó sang những bài hát là một quy trình tự nhiên nhất đối với một đứa trẻ.
- Nhạc sinh chuyển lối nói thành tiết nhịp của cơ thể, như vỗ tay hoặc đập chân, và tiến đến việc chơi một nhạc cụ.
- Giọng hát là nhạc cụ đầu tiên và tự nhiên nhất trong các nhạc cụ.
- Những bài thơ, những điệu hát, trò chơi, ca khúc, vũ khúc, từ kho tàng văn hóa dân gian, hoặc từ những sáng tác, được đứa trẻ thể hiện qua nói hoặc hát, cùng với những tiếng vỗ tay dậm chân, những tiếng trống, tiếng gõ, tiếng chuông ...v.v...
- Các nhạc cụ gõ đủ mọi kích cỡ, hình dạng, và âm thức đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, một số nhạc cụ giai điệu, đựơc chế tạo hoặc được chọn trong việc giảng dạy, như những lọai đàn phiến gỗ và đàn chuông, vừa có những âm thức thu hút tức thời, vừa có thể được đứa trẻ học tập và trình tấu trong một thời gian ngắn nhất.
- Đứa trẻ được tích cực thực hành âm nhạc bằng cơ thể và bằng sự chuyển động.
- Đứa trẻ được trình tấu trong một dàn nhạc nhỏ để phát triển sự thẩm âm và sự chú tâm.
- Những điệu thức hát nói lặp đi lặp lại về tiết tấu (ostinato) được sử dụng như một yếu tố cấu thể trong các hình thái ứng tác…
Hiện nay, phương pháp Carl Orff đã truyền bá ra khoảng 30 nước trên thế giới, chỉ riêng tại Mỹ và Canada, đã có hơn 10.000 nhà giáo đang thực hành phương pháp này.
http://www.giaidieuxanh.vn/news/5797/Ph%E1%BA%A7n%204:%20Ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20Carl%20Orff.html
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét