1. Dùng từ giản dị. Đừng dùng từ phức tạp, trừu tượng và chuyên môn.
Từ giản dị là từ dùng thường ngày. Ví dụ: “Đừng xả rác ngoài đường” thì dễ hiểu và mạnh mẽ hơn là “Phải đề cao y’ thức y tế cộng đồng.” (Nói gì vậy??). “Anh yêu em” thì rõ ràng hơn là “Anh xúc cảm tràn dâng trong tâm tưởng với ảnh hình dấu ái tuyệt vời của em.” (What is that?? Muốn gì thì nói thẳng ra đi cha nội )
Từ cụ thể thì dễ hiểu và mạnh mẽ hơn từ trừu tượng. Ví dụ: “Hãy vun trồng nước non sông núi này; hãy tưới nước cho hoa nở trên mọi cánh đồng” thì mạnh mẽ và dễ hiểu hơn là “hãy nâng cao lòng ái quốc và tình yêu xứ sở.”
Từ chuyên môn chỉ nên dùng với người cùng ngành chuyên môn. Ví dụ, thay vì “Độc quyền kinh tế làm tăng giá, giảm cầu và giảm hiệu năng kinh tế quốc gia” thì nên viết “nhà độc quyền có quyền bán ít hàng để có thể tăng giá đến mức cắt cổ, làm người tiêu thụ rất bị thiệt thòi.”
2. Viết câu ngắn.
Ví dụ:
“Ai cũng bảo xòe bàn tay ra, trong ấy có cả quá khứ vị lai. Tôi thì không tin rằng chỉ cần ngồi lẩm nhẩm với mình mà đọc được cái gì chưa đến. Còn quá khứ thì đâu chỉ nằm trong lòng bàn tay. Tôi vay ngân hàng ba mươi triệu, quá khứ của tôi nằm ở ngân hàng. Tôi vay của người hàng xóm đôi lời chì chiết.
Quá khứ giờ đang nằm ở nhà hàng xóm. Tôi vay em một thời yêu thương. Chuyện này thì cầu mong quá khứ còn náu mình đâu đó nơi em.” Kể Chuyện Tôi, Tấn Ái.
3. Dùng các dấu chấm câu để giảm vận tốc đọc của người đọc.
Ví dụ:
“Nếu bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là: ‘Tôi thích chăn bò!’. Có thể bạn không tin, nhưng thật tình, tôi thích chăn bò lắm! Tôi rất thích nhìn vào đôi mắt to trong veo của con bò nhà tôi, đen láy và ướt át, chúng luôn khẽ khàng nấp dưới hàng mi dài cụp xuống. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt nào buồn đến thế. Nó toát lên vẻ ẩn nhẫn, cam chịu, và hiền lành khiến cho tâm hồn trẻ thơ ngập tràn thương cảm. Một tình bạn thầm lặng bắt đầu từ đó!” Hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng, Đông Vy.
4. Dùng các từ nối kết—nhưng, và, vì thế, do đó, vậy thì, thế thì…– để nối kết những chuỗi lý luận với nhau.
Ví dụ:
“Tư duy là bên trong và hành động là bên ngoài. Tư duy chi phối hành động. NHƯNG cuộc đời đưa ta đến bao tình huống khác nhau mỗi ngày, đòi hỏi những hành động khác nhau cho từng tình huống. Hành động thì khi nhanh khi chậm, khi như sâu lắng suy tư, khi như ánh chớp như thể không kịp suy tư, khi thì dịu dàng, khi thì dũng mãnh… VẬY THÌ tâm tư ta thế nào trong những tình huống như vậy? Tâm tư ta cũng biến chuyển vô thường như hành động theo từng tình huống hay sao?” Liên hệ giữa tư duy và hành động.
5. Đặt mỗi “đơn vị ý tưởng” (thought unit) trong một đoạn (paragraph) riêng.
Nhưng nếu đoạn này quá dài thì cắt ra thành hai ba đoạn cho đỡ rậm mắt và nhức đầu người đọc.
Hoặc, nếu một câu nào đó mà ta muốn nhấn mạnh, thì tách câu đó ra thành một đoạn.
Ví dụ:
“Tâm tính của mỗi người là một bộ máy tâm sinh lý đặc biệt, cứ như thế mà vui buồn yêu ghét. Không phải muốn đổi tâm tính là có thể làm xong trong một ngày, một tuần. Nếu cơ thể cần được tập luyện mỗi ngày, khá lên mỗi ngày một tí, vài ba năm mới được như vận động viên, thì tâm tính cũng thế, cũng phải được rèn luyện mỗi ngày, không, mỗi phút giây ta sống. Và phải kiên nhẫn một thời gian thì mới có được kết quả ‘trông thấy’.
Nhưng tại sao ta phải suy tư tích cực? Trời sinh sao để vậy không được sao?
Trước hết, tâm tính của ta không phải do trời sinh. Các yếu tố di truyền có dự phần một tí, như là sinh ra thì có hai tay hai chân, nhưng có đai đen Judo hay một cơ thể èo ọt bệnh hoạn là do ta. Trí lực và tâm lực cũng thế, trời sinh ra có tâm trí, tích cực hay tiêu cực là do ta.” Tư duy tích cực là gì?
6. Nếu được thì nên đánh số 1,2,3, a,b,c như dàn bài cho các đơn vị ý tưởng.
7. Dùng thể chủ động.
Đừng dùng bị động, vì bị động thì vừa yếu vừa mù mờ. Ví dụ: “Nó bị đòn.” Vậy ai đánh nó? Thay vì vậy thì viết, “Mẹ nó cho nó ăn đòn”. Rất rõ.
8. Nói một ý chỉ nên dưới một phút.
Nếu mình nói dài hơn là chỉ để lập lại điều vừa nói với các từ khác và ví dụ khác mà thôi. Một ý mà nói dài quá thì rất dễ bị rối rắm khó hiểu.
Viết cũng thế. Viết để người đọc đọc dưới 1 phút là xong một ý .
9. Nói chậm thôi, đừng nói như ăn cướp. (Viêt cũng viết cách để độc giả đọc chậm thôi, như là chấm câu thường xuyên với các câu ngắn, và xuống hàng thường xuyên, để độc giả giảm vận tốc đọc).
10. Nếu bạn nói và người nghe không hiểu, thì đó là bạn nói tồi chứ không phải là người nghe nghe tồi.
11. Nếu viết thì đọc lại trước khi “phát hành”. Nếu nói thì nghĩ câu kệ trong đầu rõ ràng rồi mới nói.
Các bạn, nhớ điều này. Nếu bạn nói: “Hằng đêm anh suy tư mãi về vóc dáng mình hạc xương mai của em để anh thấy rằng trên cuộc trần thế của trăm ngàn hoa thơm cỏ lạ này anh đã được nhân duyên của từ vô lượng kiếp đưa đẩy anh đến một đóa hoa kỳ lạ đã làm thay đổi cả đời anh, đã làm tim anh như muốn vỡ tung khỏi lồng ngực…” Ai biết bạn nói gì? Sao không nói “Anh rất yêu em” cho được viêc?
Các bạn ghi nhớ: Nói giản dị thì người ta hiểu được bạn nói gì. Nói phức tạp thì bạn nói gà người ta hiểu vịt. Vậy thì nói làm gì?
12. Bất kỳ bài nào, dù là viết kiểu gì, đều có 3 phần:
Mờ đầu, thân bài và kết luận. Có khác nhau là chỉ về hình thức một tí thôi. Mở đầu là để giới thiệu mình muốn nói về việc gì. Thân bài là phân tích, lý luận, giải bày. Kết luận là để mình muốn đọc giả nghĩ gì, cảm xúc gì, làm gì, chia sẻ gì.
Ví dụ:
Mở đầu: “Nếu bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Tôi thích chăn bò!”. Có thể bạn không tin, nhưng thật tình, tôi thích chăn bò lắm! …”
Kết luận: “Để bây giờ, rất nhiều khi thấy chán chường những con đường chen chúc người xe và khói bụi, mệt mỏi với cuộc sống vội vã đua tranh, tôi lại thèm quá những ngày huy hoàng cũ, khi tôi còn là một cô bé chăn bò. Bởi thế, nếu một ngày nào đó không tìm thấy tôi trong chốn đô thị bon chen, bạn hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng …” Hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng, Đông Vy.
13. Duyệt lại:
Nếu bạn là chuyên gia về kinh tế viết một bài về kinh tế cho đọc giả không phải là dân kinh tế, thì sau khi viết xong, đưa bài cho một người bạn chưa biết đánh vần chữ “tiền” đọc lại. Nếu bạn này nói chỗ nào không hiểu thì viết lại chỗ đó, cho đến khi bạn đó nói là thực sự hiểu toàn bài.
Viết là một nghệ thuật. Càng viết nhiều thì nghệ thuật càng nâng cao và càng có nhiều kỹ năng để nghiên cứu thêm. Nhưng hy vọng các qui luật căn bản trên đây cũng có thể giúp các bạn đi được một đoạn khá dài.
Điều cuối cùng mình muốn nhấn mạnh trong liên hệ giữa suy tư sâu sắc và viết giản dị là: Chỉ khi bạn hiểu được một vấn đề rất sâu sắc bạn mới đủ khả năng để trình bày vấn đề đó rẩt giản dị. Nếu bị lúng túng quá trong việc giản dị hóa một vấn đề, có thể là bạn phải nghiên cứu và suy nghĩ thêm về vấn đề đó, cho đến lúc nắm vững đủ để trình bày đựợc cho cả các em bé tiểu học, nếu cần.
http://dotchuoinon.com/2009/07/19/vi%E1%BA%BFt-gi%E1%BA%A3n-d%E1%BB%8B-va-sau-s%E1%BA%AFc/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét