1. Giản dị :
Ba quy luật quan trọng nhất của truyền thông, viết lách, ăn nói, thuyết giảng là: (1) Giản dị, (2) giản dị và (3) giản dị.
- Dùng từ giản dị:
Các quý vị thiếu kinh nghiệm hay thích dùng từ to lớn mà chính họ cũng chưa hiểu rõ. Chúng ta suy nghĩ bằng hình ảnh và ngôn ngữ trong đầu mình. Ngôn ngữ trừu tượng trong đầu sẽ làm suy nghĩ của ta mơ hồ như sương mù phủ kín đường đồi. “Các nông dân cần phải quan tâm đến thịnh suy của đất nước để tăng gia sản xuất, cải cách nông nghiệp, cách mạng hóa nông thôn…”
Đương nhiên đây là các từ ta nghe thường xuyên (trong các diễn văn rất công thức của quan chức), nhưng có ai trong chúng ta biết được là tác giả muốn nói gì không? Nếu nói với một đám nông dân, và có cò mồi vỗ tay, thì có thể là nông dân vỗ tay theo, nhưng nếu bạn nói tiếng Campuchia có lẽ là sẽ dễ hiểu hơn câu này đối với các nông dân. Đừng phạm lỗi số một của các vị khoa bảng rởm là dùng từ trừu tượng, đao to búa lớn.
Đổi lại như thế này: “Bà con cô bác chúng ta nên biết thêm cách làm cho lúa tốt hơn, cây trái xum xuê hơn, loại cây nào trồng thì bán được nhiều tiền hơn. Cho nên ta cần học thêm cách trồng các loại cây mới có thu hoạch cao, cũng như cách vun trồng mới cho các loại cây quen thuộc để tăng thu hoạch”.
- Suy nghĩ về các điều giản dị:
Nếu nói về cuộc sống nông dân thì nói về ruông đồng, cây trái, con trâu cái cày, chuối cau cam quýt, gà bò lợn… Đừng nói đến cải cách giáo dục, phát triển kinh tế, đổi mới tư duy chính trị, cạnh tranh quốc tế trong toàn cầu hóa. Ngay cả khi nói đến “cải cách giáo dục” chẳng hạn, thì hãy nói đến “tăng lương cho cô giáo, gởi các cô thầy đi học thêm, lập phòng computer cho các em học…”
- Cụ thể là giản dị:
Trong tư duy, giản dị thường đồng nghĩa với cụ thể. “Các bác hiện nay nuôi một con gà trong ba tháng, bán đi, trừ vốn mua thực phẩm và thuốc men cho gà, lời được trung bình 20 nghìn một con. Nếu dùng thực phẩm mới này, thì sau ba tháng sẽ lời được 30 nghìn một con”. Đó là cụ thể. Cụ thể vì ta có thể sờ được con gà, thực phẩm gà, và những đồng bạc. Ngược lại, “Các bác có thể đổi cách nuôi gà văn minh hơn và sẽ tăng được 30 phần trăm lợi tức”. Đây là trừu tượng, vì “cách nuôi gà văn minh” là gì? 30 phần trăm lợi tức là gì? Bao nhiêu? Bao nhiêu nông dân biết làm tính nhẩm?
2. Suy nghĩ bằng hình ảnh
Nếu bạn suy nghĩ cụ thể thì bạn có thể có những hình ảnh của tư tưởng bạn trong đầu như là màn ảnh TV. Trong ví dụ về nuôi gà và thực phẩm gà như trên, đương nhiên là các bạn có thể thấy được hình ảnh một nông dân, cho gà ăn từ bé đén 3 tháng tuổi, mang gà chợ bán, đếm tiền và tính ra được lời lỗ.
Khi bạn suy nghĩ đến các vấn đề với những từ trừu tượng thì cũng cần phải cụ thể hóa các từ trừu tượng thành hình ảnh trong đầu mình. Nếu chưa quen kỹ thuật này, lúc đầu bạn sẽ rất mệt, suy nghĩ rất chậm, và rất nhức đầu. Nhưng chỉ một thời gian là bạn sẽ quen, và sẽ suy nghĩ được rõ ràng và chính xác như giải phẩu tim.
Ví dụ: “Độc quyền kinh tế làm cho nhà sản xuất có thể tăng giá rất cao, trong khi phẩm chất sản phẩm lại thấp, tha hồ bóc lột người tiêu thụ”. Đây là một câu nói toàn là từ trừu tượng. Hãy cụ thể hóa nó trong đầu. Hãy tưởng tượng đến một thành phố, chỉ có một tiệm may tên là “Một Không Hai”, và bà con cả thành phố, từ các quan chức và các sao may áo quần sang trọng, đến các nông phu may áo quần ra đồng, đều phải vào tiệm đó, sắp hàng chờ đo may.
Đương nhiên là bà chủ tiệm bụng phệ chỉ ngồi hút xì gà, tha hồ tăng giá may, nhân viên thì tiếp khách kiểu “may quát”, quần may xong ông khách hàng nhận ra được ống dài ống ngắn, đành phải đứng sắp hàng năn nỉ cô thợ may động lòng thương sửa lại dùm, nếu cô lại nổi nóng lấy quần lại và trả tiền lại thì hỏng.
Tất cả các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, triết lý thường dùng toàn là từ chuyên môn trừu tượng, và đa số học trò cứ lập lại các công thức trừu tượng học được mà không thực sự suy nghĩ, cho nên thỉnh thoảng đọc một bài ta có thể nhận ra là tác giả chỉ lập lại công thức mà chẳng hiểu gì về vấn đề đang viết.
Cụ thể hóa vấn đề bằng hình ảnh trong đầu mình. Nếu không làm thế, các bạn sẽ mù mờ trong đầu cả đời, nhất là khi rớ đến các vấn đề toàn là từ trừu tượng.
3. Lý luận chặt chẽ :
Đây là điều rất dễ làm, nhưng rất nhiều người không làm được, có lẽ chỉ vì thiếu kỹ luật tư duy.
Ví dụ: “Hôm qua trời mưa, em tính đi shopping nhưng vì mưa nên ngồi nhà mở computer làm việc, tình cờ đọc được một bài viết của Hemingway, ngồi nhìn mưa suy nghĩ về các điều Hemingway viết, em chợt khám phá ra ý tưởng là cuộc đời của chúng ta cứ như là những hạt mưa.”
Đây là một luồng tư tưởng rất chặt chẽ, điều này liên hệ chặt chẽ đến điều kia, liên hệ nhân quả chặt chẽ rõ ràng — nhân: mưa, quả: bỏ shopping; nhân: bỏ shopping, quả: mở computer làm việc; nhân: mở computer làm việc, quả: đọc được Hemingway; nhân: đọc Hemingway, quả: nhìn ra trời mưa suy nghĩ; nhân: nhìn trời mưa suy nghĩ; quả: khám phá ý tưởng đời người như những hạt mưa.
Ví dụ khác: “Trời sinh phụ nữ và đàn ông. Phụ nữ thường ăn vặt.” What? What? What? Có liên hệ gì giữa “trời sinh phụ nữ và đàn ông” và “phụ nữ thường ăn vặt”? Đây là một suy nghĩ thiếu chặt chẻ về luận lý.
Nếu sửa lại một chút thì sẽ chặt chẽ hơn: “Trời sinh ra phụ nữ và đàn ông có nhiều khác biệt. Phụ nữ thường ăn vặt hơn đàn ông”.
(Chú thích: Câu “Phụ nữ thường ăn vặt hơn đàn ông” có ý nói “Phụ nữ thường ăn vặt hơn đàn ông ăn vặt”, và không có ý nói “Phụ nữ thường ăn vặt hơn ăn đàn ông” )
4. Suy nghĩ về một điều mà thôi :
Đầu bài này chúng ta cố tình dùng từ zoom in, để nhấn mạnh là chúng ta chỉ có thể zoom in vào một điều, không thể zoom in hai mục tiêu khác nhau. Đây là kỹ luật tập trung tư tưởng. Khi bạn muốn suy nghĩ về một vấn đề thì tập trung vào vấn đề đó.
Không cho tư tưởng chạy ra khỏi vấn đề đó đến vấn đề khác, nhảy lung tung như cào cào châu chấu. Bạn không thể thực sự suy nghĩ được nếu tư tưởng bạn nhảy lung tung như vậy. Nếu tư tưởng bắt đầu chay ra khỏi vấn đề, níu nó lại. Giống y hệt thiền quán—quán điều gì là quán một điều mà thôi.
5. Độc giả của bạn là ai :
Họ là ai? Giới đại học hay nông dân? Tuổi 20 hay 50? Phần đông suy tư thế nào? Viết với ngôn ngữ và lối suy tư họ quen thuộc.
6. Suy nghĩ hai chiều:
Đọc bài của mình và đặt mình vào vị thế “phía bên kia”, không đồng ý với tác giả, thì mình sẽ có những câu hỏi gì hay phản biện gì? Điều này là điều sống chết cho một bài viết/nói cho đám đông. Nếu ta không nhìn được vấn đề từ mọi góc độ khác nhau, ít ra là từ hai góc độ đối chọi nhau, thì ta không thể giao lưu công cộng được.
Sau khi đã thấy được các câu hỏi hay phản biện của “phía bên kia”, thì ta cần phải chọn cách đưa các điều đó vào bài của mình, và đây là một công việc lựa chọn rất khó khăn:
• Trong vài trường hợp, thường là chỉ việc sửa chữa các từ tuyệt đối thành tương đối. Ví dụ: “Đàn bà mau nước mắt.” Câu này rộng quá, nhỡ gặp một cô thuộc loại lãnh diện bà bà thì hỏng, vì vậy nên xuống cấp một tí: “Đa số phụ nữ thường mau nước mắt.” Các từ tuyệt đối là từ bao trùm toàn thể như “tất cả”, “mọi”, “bất kì”, “nhất”, “không” (ai, cái gì), “luôn luôn”… Từ tương đối là từ chỉ nói một phần như “vài”, “đa số”, “hàng đầu”, “đôi khi”…
• Nếu có một vấn đề quan trọng, nhưng ta không muốn tốn thời giờ trong bài vì không nằm trong trọng tâm bài, ta có thể nhắc đến và nói là sẽ không bàn. Ví dụ: “Dĩ nhiên là có các nàng đặc biệt cả đời không bao giờ khóc, nhưng ở bài này ta chỉ nói đến thói quen của đa số.” Hay, “Dĩ nhiên là phụ nữ thông minh chẳng thua kém gì các cậu, đôi khi còn vượt trội nữa là khác, nhưng mục tiêu bài này là nói về cảm tính của phụ nữ, chứ không bàn về thông minh.”
• Nếu có một câu hỏi của “phía bên kia” thuộc loại quan trọng, nhưng “dễ thấy” (tức là nhiều người đọc có thể có câu hỏi đó), và câu trả lời giản dị, không làm cho rối bài của ta, thì hãy xung phong câu hỏi và câu trả lời, để giải tỏa vấn đề trước khi bị hỏi. Ví dụ: “Có người có thể hiểu lầm rằng nói đến cảm tính phụ nữ có thể đồng nghĩa với chê phụ nữ hay khóc như trẻ con, điều này thì không đúng, vì nhiều xúc cảm là một hiện tượng trời sinh như tay chân, và điều gì tự nhiên thì cũng luôn luôn có công dụng và sức mạnh riêng của nó.”
• Nếu có câu hỏi nhưng thuộc loại phức tạp quá, có thể làm rậm bài của mình và làm bài trở thành khó hiểu, thì cách hay nhất là suy nghĩ về nó một tí, rồi lờ nó đi. Ví dụ: “Anh nói đàn bà thường có cảm tính, thế có nghĩa là yếu lý luận, vậy có nghĩa là dốt hơn đàn ông?” Trả lời câu này có thể liên hệ đến định nghĩa “thông minh” là gì, và liên hệ đến IQ (intelligence quotient, chỉ số thông minh luận lý), EQ (emotional quotient, chỉ số thông mình tình cảm), EI (emotional intelligence, thông minh tình cảm) và SI (social intelligence, thông minh xã hội). Rất rắc rối. Nếu không có lý do bắt buộc, thì lờ đi. Hoặc để một câu ngắn trong ngoặc đơn, hẹn khi khác.
• Một số câu hỏi thuộc loại “ai cũng thấy” và rất dễ trả lời, nhưng không quan trọng đến mức phải trả lời ngay, thì ta cũng có thể lờ đi, để bài của mình sáng sủa và có sức mạnh. Các loại câu hỏi này, thường thì đọc giả/thính giả có thể tự trả lời. Và nếu ai có hỏi mình, thì trả lời sau cũng không muộn.
Tóm lại : Mục tiêu viết/nói của mình là giản dị, sáng sủa, dễ hiểu, có sức mạnh.
“Sức mạnh” đòi hỏi ta phải giải tỏa một vài phản biện cần giải tỏa, và các phản biện khác thì ta cũng đã biết trước nhưng quyết định không nói đến để khỏi rậm bài, để đó tính sau.
Có nghĩa là, ta không thể vào cuộc khi không biết toàn diện chiến trường. Ta có “nói” đến một điều nào đó trong bài hay không, đó là một lựa chọn chiến lược chiến thuật, để bài sáng đủ và mạnh đủ. Nhưng có “biết” đến điều đó hay không thì câu trả lời phải là “Vâng tôi biết mọi góc cạnh, mọi phản biện có thể xảy ra cho bài này.”
Mục đích của bài viết/nói là thuyết phục được mọi người về quan điểm của ta, cho nên ta phải biết quan
điểm của ta là gì. Và ta phải trình bày quan điểm của ta một cách “đáng tin”, tức là không quá một chiều, vẫn thấy các điểm chiều kia và vẫn nhắc qua và giải đáp thỏa đáng. “Đáng tin” còn có nghĩa là thành thật, cho nên thông tin của ta phải chính xác và lý luận hợp common sense, tức là hợp với cảm xúc và suy tư của một đọc giả trung bình trong loại đọc giả ta đang nhắm đến.
(Lý luận có vẻ hợp khoa luận lý học nhưng không hợp common sense sẽ làm cho bạn bị mất uy tín như là cãi chầy cãi cối. Ví dụ: “Có cây bàng trước sân, tôi thấy và tôi biết là có cây bàng. Tôi không thấy cây bàng trước sân, vậy tôi biết là không có cây bàng trước sân.
Tôi không thấy thượng đế, vậy tôi biết là không có thượng đế.” Lý luận này “có vẻ” hợp luận lý, nhưng thực ra vẫn phi lý, vì “cây bàng” và “thượng đế” rất khác nhau, không thể nhảy từ cây bàng sang thượng đế như thế. Hơn nữa, “không thấy” không có nghĩa là “không có”, đây là hai điều hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng là lý luận này không hợp common sense, tức là không hợp với điều đa số người thường suy tưởng mỗi khi nói đến thượng đế).
Và dĩ nhiên là bạn phải luôn luôn giản dị. Vì dù là bạn có đúng thế nào, mà bài của bạn như một khu rừng, mọi người vào đó đều bị lạc, thì hỏng. Viết vừa thôi, đừng viết nhiều điều nhiều chuyện nhiều điểm nhiều lý luận nhiều chứng minh nhiều phản biện nhiều thông thái quá, thì sẽ không có rừng rậm.
http://dotchuoinon.com/2011/02/11/ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt-t%C6%B0-duy-zoom-in/
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét