Chào các bạn !
Chúng ta thường mong muốn làm được điều gì đó to tát để đóng góp cho đời, để làm cho cuộc đời của chính mình có ý nghĩa hơn, và để làm cho thế giới này được tốt đẹp hơn. Và ta hy vọng rằng một ngày nào đó ta sẽ có đủ kiến thức và năng lực để làm được điều đó.
Nhưng, ta lại thường không biết rằng “ngày nào đó” là ngày hôm nay, “kiến thức và năng lực sẽ có” là kiến thức và năng lực đã có ngày hôm nay, và “điều gì to tát đó” là những điều rất nhỏ ta đang làm hôm nay.
Bạn có biết điều gì phân biệt nghệ sĩ bậc thầy và người mới tập sự không? Thưa, chi tiết. Ai trong chúng ta cũng có thể hát một bản nhạc đúng nốt, nghe trong các tiệc sinh nhật ở nhà cũng rất hay. Sự khác biệt giữa ta và các ca sĩ hàng đầu không phải là những dòng nhạc, hay ngay cả nốt nhạc, mà là một ít luyến láy chỗ này, một tí nhấn mạnh chỗ kia, một tí dài hơn chỗ nọ. Tất cả những cái “một tí” đó làm cho ca sĩ hàng đầu là ca sĩ hàng đầu.
Viết văn cũng thế, ai lại viết không được? Nhưng chỗ này thêm một dấu phẩy, chỗ kia bớt một dấu chấm, chỗ nọ bớt đi chỉ một từ, làm cho lời của nhà văn khác với bài luận của học trò. Võ sinh mới đai xanh vẫn có thể đi một bài quyền thuần thục mà người ngoài thấy không khác võ sư, nhưng nhẹ chỗ này một tí, mạnh chỗ kia một tí, chậm chỗ nọ một tí, nhanh chỗ kia một tí, sẽ cho các võ gia biết ai là sư phụ, ai là đệ tử.
Trong tất cả mọi nghệ thuật, mọi nghề nghiệp, mọi kỹ năng, sự khác biệt giữa thầy và trò luôn luôn
nằm trong các điều nhỏ bé, ngoài ra thì không còn khác biệt nào khác. Cho nên nếu ta đợi đủ năng lực để làm được điều to tát, điều to tát đó không bao giờ tới, vì thực ra không có điều to tát, mà chỉ có những điều nhỏ cộng lại mà thôi. Đại dương không tự nó mà có được, đại dương chỉ là các giọt nước tụ lại mà thành. Thế thì, cái to tát của đời ta, đại dương của đời ta, từ đâu mà đến, đến tự lúc nào? Dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết câu trả lời, “Đại dương của ta đến từ những giọt nước, của hôm nay.”
Giọt nước
Vậy, những giọt nước hôm nay là gì? Và ta đang làm gì để tích tụ chúng? Ngay ở đầu bài, ta nói ta muốn làm đời sống mình có ý nghĩa hơn và thế giới tốt đẹp hơn? Thế giới là một từ rất trừu tượng. Rất khó để ta ở Thanh Hóa và làm cho thế giới ở Nam Phi tốt đẹp hơn. Cho nên tất cả những từ trừu tượng ta nói đến hàng ngày, ta phải biết cụ thể hóa chúng.
Hãy đổi “thế giới” thành “thế giới của tôi.” Thế giới của tôi là chính tôi và những ngưởi tôi thân quen và giao tiếp hằng ngày. Ta đang làm gì hằng ngày để làm thế giới của ta tốt đẹp hơn? Dễ quá, cứ mang những bông hoa nhỏ cắm cùng khắp thế giới của ta hằng ngày, thì thế giới của ta sẽ tốt đẹp hằng ngày, phải không? Rất giản dị!
Nhưng những bông hoa nhỏ đó là gì? Ồ, hãy để óc sáng tạo của bạn tự tìm câu trả lời. Sáng tạo không có giới hạn, sáng tạo là cánh hải âu có thể lao sâu vào lòng biển hay vươn qua các tầng trời. Nhưng chưa cần đến sáng tạo, chỉ cần ở mức tù mù là ai cũng đã biết câu trả lời: Những đóa hoa nhỏ là những nụ cười với ông chủ quán phở quen, những cái gật đầu chào em bé hàng xóm, những hỏi han đầu ngày với vợ con trong nhà, những câu cám ơn với cô tính tiền trong tiệm tạp hóa, những lá thư cám ơn chỉ hai ba chữ trong một diễn đàn trên mạng, một truyện vui kể cho các bạn, một bức ảnh dễ thương gửi đến bạn
bè.
Đây thực sự là những chuyện rất tự nhiên, rất nhỏ, đến nỗi nhiều người trong chúng ta quên bẵng đi, hoặc nếu có nhớ thì cũng cho đó là chuyện không đáng kể. À, nếu cho rằng chúng không đáng kể và ta không cần phải chú tâm vào đó, tức là ta chưa có được cái nhìn sắc bén của nghệ sĩ bậc thầy. Mẹ Tê-rê-sa nói, “Hãy trung thành với những điều nhỏ bé, vì đó là nơi chứa đựng sức mạnh của bạn.”
Bây giờ mình trình bày một vài ví dụ để chúng ta thấy nhỏ và lớn. Nếu sáng nào bạn cũng làm một việc rất nhỏ là gọi điện thoại đến nàng và “Chúc em một ngày tốt đẹp” rồi cúp máy, vậy thì đó là chuyện nhỏ hay chuyện lớn? Nếu bạn còn chưa biết câu trả lời, thì hỏi nàng đi. Nếu ngày nào trên đường đi bộ đến trường, đi ngang quán cà phê, bạn cũng mở của, ló đầu vào, vẫy tay chào ông bạn là chủ quán, rổi đi tiếp, thì đó là chuyện nhỏ hay lớn đối với ông ta vậy?
À, để mình kể cho các bạn nghe một chuyện rất nhỏ nhé. Hơn một năm trước đây, lúc mẹ mình còn ốm nặng (trước khi qua đời). Ngày nọ mình đưa mẹ vào bệnh viện, và một lần đi thang máy, trong đó chỉ có mình và một người đàn bà khoảng hơn 40. Chị này đang đọc tờ giấy gì đó và khóc. Rõ ràng là chị ta cũng không nhớ hoặc không biết là mình đang đứng bên cạnh.
Mình nghĩ, “Chắc là tờ giấy đó liên hệ đến ung thư hay AIDS của chị hay ai đó trong nhà,” và mình nghĩ tiếp, “Thật là chị này đang đau khổ vô cùng, mình phải làm cái gì đó để an ủi chị ấy.” Mình đợi đến khi thang máy ngưng và mở cửa, mình đặt bàn tay mình rất nhẹ trên cánh tay của chị ấy và nói: “Dù là chuyện gì đó, chị cũng sẽ OK.
Thượng đế ở cùng chị.” (Whatever that is, you will be OK. God is with you). Đây chỉ là một câu nói rất hàng ngày ở Mỹ, chỉ có chạm tay người lạ là không nên—nhưng lại rất cần thiết để an ủi–vì vậy mình phải đợi cửa mở mới làm. Chị ấy nhìn mình, và chỉ trong vòng 2 giây đồng hồ, khuôn mặt chị ấy biến đổi từ cực kỳ đau khổ sang một nụ cười (còn đẫm nước mắt) tràn đầy bình an hạnh phúc.
Mình chưa bao giờ thấy được một khuôn mặt biến đổi nhanh đến như thế, kể cả trong xi-nê. Thật là lạ lùng! Khoảng nữa tiếng sau, mình lại gặp chị trong hành lang bệnh viện, chị mỉm cười gật đầu chào mình và gương mặt lúc này rất hân hoan. Câu chuyện này dạy cho mình một điều rất rõ: Dù một cử chỉ rất nhỏ, rất dễ làm, đôi khi cũng có thể xóa tan một cơn giông khủng khiếp trong lòng ai đó, chỉ trong một tích tắc.
Trích : - Tư duy tích cực - dotchuoinon.com -
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét